Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Lịch sử phát triển các đơn vị đào tạo

Đăng ngày: 13-03-2024 | 3301 lần đọc
|

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH PHÁT TRIỂN CÁC ĐƠN VỊ ĐÀO TẠO CỦA ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

         Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Nghị định số 31/CP của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại 04 trường đại học (Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Y Bắc Thái) và Trường Công nhân Cơ Điện Việt Bắc trên địa bàn thành phố Thái Nguyên.

         Trải qua 65 hình thành và phát triển của các trường thành viên, 30 năm xây dựng và phát triển của Đại học Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên đã phát huy mạnh mẽ dân chủ, đoàn kết, năng động, sáng tạo của đội ngũ viên chức, người lao động và học sinh sinh viên, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và đất nước; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của Đại học vùng trong hệ thống giáo dục - đào tạo và trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

1. Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp

Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp được thành lập ngày 19/8/1965 theo quyết định số 164/CP Hội đồng Chính phủ. Tính đến năm 2024, trường đã có lịch sử gần 60 năm với nhiều giai đoạn và tên gọi khác nhau:

- Phân hiệu Đại học Bách khoa tại Thái Nguyên (1965-1966)

- Đại học Cơ Điện (1966-1975)

- Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Việt Bắc (1976-1982)

- Trường Đại học Công nghiệp Thái Nguyên (1982-1994)

- Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp – Đại học Thái Nguyên (1994 đến nay)

2. Trường Đại học Sư phạm

- Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Quyết định số 127/CP ngày 18 tháng 7 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ với tên gọi là Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

- Ngày 18 tháng 3 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định 63/HĐBT về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc vào Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, trở thành một khoa  trực thuộc.

- Ngày 04 tháng 4 năm 1994 Chính phủ ban hành Nghị định số 31/CP về việc việc thành lập Đại học Thái Nguyên, theo đó Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc trở thành trường thanh viên của Đại học Thái Nguyên với tên gọi Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

3. Trường Đại học Y-Dược

- Cuối những năm 50 của thế kỷ XX, tại khu Capler - Thị xã Thái Nguyên, nay là số 284 Đường Lương Ngọc Quyến - Thành phố Thái Nguyên, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập Trường Y sĩ Việt Bắc thuộc Khu tự trị Việt Bắc.

- Ngày 23 tháng 7 năm 1968, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 116/CP thành lập Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi của Trường Đại học Y Hà Nội. 

- Ngày 24/01/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 33/CP chuyển Phân hiệu Đại học Y khoa Miền núi thành Trường Đại học Y Bắc Thái.

- Năm 1994, theo Nghị định 31/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ về việc thành lập Đại học Thái Nguyên - Trường Đại học Y Bắc Thái trở thành trường thành viên của Đại học Thái Nguyên, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tháng 9 năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Chính phủ đổi tên Trường thành TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y - DƯỢC thuộc Đại học Thái Nguyên

4. Trường Đại học Nông Lâm

- Ngày 15/8/1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 143/CP về kế hoạch đào tạo cán bộ đại học từ năm học 1969 - 1970, trong đó có kế hoạch chuẩn bị nguồn tuyển sinh để trường Đại học Kỹ thuật Miền núi.

- Ngày 25/2/1971, theo Quyết định số 56/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trường đổi tên thành trường Đại học Nông Lâm Miền núi. Trường do Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trực tiếp quản lý với sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Tổng cục Lâm nghiệp và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc.

- Ngày 31/3/1972, căn cứ vào Điều 3, Nghị định số 234/CP ngày 18/12/1971 của Hội đồng Chính phủ về quy định chức năng và tổ chức bộ máy của Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, Chính phủ ban hành công văn số 750 - VP về việc đổi tên trường Đại học Nông Lâm Miền núi thành trường Đại học Nông nghiệp III do Ủy ban Nông nghiệp Trung ương trực tiếp quản lý. Trường có nhiệm vụ đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học phục vụ ngành nông nghiệp ở miền núi.

- Ngày 04/4/1994 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/CP về việc thành lập Đại học Thái Nguyên. Trường Đại học Nông nghiệp III được đổi tên thành trường Đại học Nông Lâm - cơ sở giáo dục thành viên của Đại học Thái Nguyên và có tên thường gọi là trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

5. Trường Đại học Kinh tế và QTKD

Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh được thành lập theo Quyết định số 136/2004/QĐ-TTg ngày 02/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các đơn vị đào tạo thuộc lĩnh vực Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh trong Đại học Thái Nguyên.

6. Trường Đại học Khoa học

- Ngày 23/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1901/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Khoa học trên cơ sở nâng cấp Khoa Khoa học Tự nhiên và Xã hội (tiền thân là Khoa Khoa học Tự nhiên) trực thuộc Đại học Thái Nguyên. 

7. Trường Đại học CNTT và Truyền thông

- Ngày 14/12/2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Quyết định số 6946/QĐ-BGDĐT-TCCB về việc thành lập Khoa Công nghệ thông tin trực thuộc Đại học Thái Nguyên. Trụ sở của Khoa tại Xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên.

- Ngày 30/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 468/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở nâng cấp Khoa Công nghệ thông tin thuộc Đai học Thái Nguyên.

8. Trường Ngoại ngữ

- Với chủ trương xây dựng và phát triển Đại học Thái Nguyên thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, trọng điểm của khu vực và cả nước, ngày 31/12/2007 tại Quyết định số 976/QĐ-TCCB, Đại học Thái Nguyên đã quyết định thành lập Khoa Ngoại ngữ trực thuộc Đại học Thái Nguyên.
9. Khoa Quốc tế

- Khoa Quốc tế (International School) được thành lập theo Quyết định số 487/QĐ-ĐHTN ngày 16 tháng 6 năm 2011 của Giám đốc Đại học Thái Nguyên, là đơn vị đào tạo trực thuộc Đại học Thái Nguyên có chức năng đào tạo Đại học, sau Đại học thuộc các lĩnh vực khoa học kinh tế, quản lý, khoa học xã hội, sự sống và quản lý tài nguyên – môi trường.

10. Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai

- Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được thành lập theo Quyết định số 6189/QÐ-BGDÐT ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo và chính thức được phép hoạt động từ ngày 22/6/2016. Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai (Phân hiệu ĐHTN) được giao trọng trách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học; cung cấp dịch vụ về đào tạo, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác; là cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Lào Cai và các tỉnh Tây Bắc; liên kết trong nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

11. Phân hiệu Đai học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang

- Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được thành lập theo Quyết định số 456/QĐ-BGDĐT ngày 10/02/2023 của Bộ trưởng Bộ GĐT. Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập, đào tạo đa ngành, trực thuộc Đại học Thái Nguyên, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang về các hoạt động liên quan đến thẩm quyền quản lý của địa phương, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GDĐT và hoạt động theo quy chế của Ðại học Thái Nguyên.

12. Trường Cao đẳng kinh tế- kỹ thuật

- Ngày 19/01/1974, Chính phủ, ủy ban Hành chính khu Tự trị Việt Bắc ra Quyết định số 49/QĐ-UB về việc thành lập Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện miền núi Việt Bắc.

- Tháng 6/1976 Khu tự trị Việt Bắc giải thể, Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện miền núi Việt Bắc được chuyển giao về Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động trực tiếp quản lý và đổi tên thành Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc

- Tháng 11/1995 Đại học Thái Nguyên đã đổi tên Trường Công nhân Cơ điện Việt Bắc thành Trường Công nhân Kỹ thuật.

- Ngày 18/8/2005, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật (CĐKT-KT) được thành lập theo Quyết định số 4507/QĐ- BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp, phân công lại nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên

 

Đại học Thái Nguyên- TNU