Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Hội thảo “Vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn” được tổ chức tại Đại học Thái Nguyên

Đăng ngày: 15-11-2018 | 10795 lần đọc
|

HoiThao16102018-1.JPG

Các đại biểu tham quan khu trưng bày sản phẩm KHCN của sinh viên ĐHTN

Tham dự hội thảo có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, GS.TS Nguyễn Thị Doan - nguyên Phó Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; đại diện Ban tuyên giáo T.Ư, Ban dân vận T.Ư, UBNDMTTQ Việt Nam, đại diện các Sở, Ban ngành; các trường đại học phía Bắc và Hội Khuyến học các tỉnh.

Về phía Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có sự tham dự của GS.TS. Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN; Ban Giám đốc; đại diện lãnh đạo các Ban chức năng, các cơ sở giáo dục đại học thành viên và các đơn vị trực thuộc.

hoithao16102018-2.jpg

GS.TS. Nguyễn Thị Doan phát biểu khai mạc tại hội thảo

Phát biểu khai mạc và trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh Giáo dục Đại học (GDĐH) là nền tảng cho sự phát triển khoa học công nghệ và nền kinh tế bền vững thông qua việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. GDĐH cũng là nơi tạo ra cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, cập nhật các kiến thức, kỹ năng thường xuyên theo nhu cầu với mong muốn tìm kiếm và trau dồi tri thức mới, không ngừng học tập nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân để phục vụ công việc và cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, tư duy về đào tạo của chúng ta vẫn chậm đổi mới so với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ thế giới, việc học tập không ngừng để trau dồi tri thức càng trở nên cấp thiết, nhất là khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước những yêu cầu đó, các trường đại học cần thay đổi nhanh hơn phương pháp đào tạo theo hướng mở, gắn kết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần có của đất nước.

hoithao16102018-3.jpg

GS.TS. Phạm Hồng Quang trình bày tham luận tại hội thảo

Hội thảo lần lượt nghe 12 tham luận và ý kiến chia sẻ của đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc bộ, các trường đại học và hội khuyến học các tỉnh. Các tham luận và ý kiến chia sẻ tập trung vào những vấn đề được quan tâm như khó khăn, thách thức và như cơ hội của trường đại học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò, trách nhiệm của trường đại học trong việc đáp ứng nhu cậu học tập thường xuyên và suốt đời của cộng đồng; chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình đào tạo cho đa dạng đối tượng người học ở một số đơn vị giáo dục đại học. GS.TS. Phạm Hồng Quang thay mặt ĐHTN trình bày tham luận “Trường đại học đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn”. Giám đốc ĐHTN cho rằng: Theo quy luật cung - cầu của nền kinh tế thị trường, giải pháp chính để giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn là thiết kế mô hình hoạt động của giáo dục đại học theo hướng mở; thiết kế chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng năng lực cho mọi thành phần, đối tượng – đây là giải pháp căn bản nhằm thu hút người học đến với trường đại học thay vì “nhập học” sinh viên với số lượng cố định vào mùa tuyển sinh; thiết kế lại các hoạt động dịch vụ giáo dục trong và ngoài nhà trường; thay đổi nhận thức của trường đại học về sứ mạng góp phần xây dựng “xã hội học tập” – đây là giải pháp điều kiện quan trọng.

hoithao16102018-4.jpg

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo của Hội khuyến học Việt nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, GDĐH đã có những tiến bộ và khởi sắc nhất định khi Việt Nam lần đầu có 2 trường Đại học được xếp vào top 1000 trường Đại học hàng đầu thế giới; 23 trường trong đó có cả trường đào tạo nghề đã có thể tự chủ 100% về tài chính. Tuy nhiên, Giáo dục thường xuyên chỉ được quan tâm phát triển đúng mức từ 2 năm gần đây. Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng quan tâm phát triển Giáo dục thường xuyên thành mũi nhọn có tầm quan trọng không kém Giáo dục Đại học và Giáo dục phổ thông, xây dựng xã hội học tập phấn đấu theo 5 mục tiêu của UNESCO: “Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình và học để thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp hơn”.  

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đều nhất trí cho rằng học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, là chìa khóa của mọi thành công. Trước thực tế đó, các trường đại học cần có những thay đổi phù hợp giúp người học khai thác, cập nhật kiến thức khi đang ở bất cứ đâu. Đây cũng là yêu cầu của hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người.

Tin bài: Quang Huy – Ban HTQT