Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đào tạo nâng chuẩn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu Luật Giáo dục

Đăng ngày: 23-08-2019 | 876 lần đọc
|

Đó là chủ đề của Hội thảo do Câu lạc bộ các trường sư phạm tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) tổ chức sáng ngày 22/8. Hội thảo thu hút sự tham gia của 07 trường đại học sư phạm trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, GS.S Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, PGS.TS Mai Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đồng chủ trì Hội thảo.

22-8-2019-SP-1.JPG

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Ngày 14/6/2019, Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, Quốc hội khóa XIV đã ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Theo Luật Giáo dục, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non là có bằng cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học và giáo viên THCS có bằng cử nhân sư phạm. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe 05 báo cáo của đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) về vấn đề nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông tại khu vực phía Bắc, miền núi phía Bắc, phía Nam, miền Trung – Tây Nguyên…và một số ý kiến của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Báo cáo của đại diện Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 nhấn mạnh vào 05 giải pháp, bao gồm: Khảo sát, thống kê số liệu giáo viên chưa đạt chuẩn; Xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn và chế độ chính sách đối với đội ngũ nhà giáo; Đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng; Tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh và tự chủ mở ngành đào tạo.

22-8-2019-SP-2.JPG

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ và các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Đại diện khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đại diện Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, trước thực trạng hệ thống các trường đào tạo giáo viên hiện nay, cần sớm thực hiện quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, với từng giai đoạn cụ thể. Với các trường sư phạm trọng điểm sẽ trở thành trường đại học sư phạm khu vực, chịu trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở khu vực được phân công. Các trường đại học địa phương có đào tạo giáo viên, trường cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm là vệ tinh (hay trực thuộc) trường đại học sư phạm trọng điểm ở giai đoạn đầu có thể duy trì những khoa, ngành đào tạo giáo viên ở các trường vệ tinh, dần dần sáp nhập hoặc đóng cửa đào tạo giáo viên của trường đó. Trong giai đoạn tiếp theo cho dừng hẳn việc tham gia đào tạo giáo viên của các trường đại học địa phương và cả các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm. Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chỉ tập trung vào các trường đại học sư phạm trọng điểm.

Căn cứ khảo sát thực trạng giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc là rất lớn (16.580 giáo viên) và năng lực đào tạo của nhà trường, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã đề xuất 03 giải pháp, bao gồm: Điều chỉnh cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh liên thông hình thức vừa làm vừa học, tổ chức đào tạo văn bằng 2, nâng cao chất lượng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông…

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hội thảo lần này của Câu lạc bộ các trường Sư phạm, theo Thứ trưởng, đây là hoạt động bổ ích, qua đây, các trường thành viên được giao lưu, chia sẻ hoạt động chuyên môn, nêu ra những khó khăn, tồn tại và đề xuất, kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có cơ chế tháo gỡ trong thời gian tới về các vấn đề như thống nhất chương trình khung, phương thức đào tạo, thời gian, chỉ tiêu đào tạo nâng chuẩn giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đáp ứng nhu cầu người học…

Luật Giáo dục năm 2019 đã được ban hành, do vậy nhiệm vụ đặt ra cho các trường sư phạm là phải giải quyết 02 vấn đề: đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non, phổ thông đáp ứng trình độ được quy định trong Luật và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Để đào tạo nâng chuẩn giáo viên đạt kết quả tốt, Thứ trưởng nhấn mạnh: Về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, các trường sư phạm được giao tự chủ và phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả, chất lượng các khóa đào tạo nâng chuẩn giáo viên.

Việc nâng chuẩn giáo viên đáp ứng Luật, Chính phủ sẽ quy định lộ trình nâng cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định để thực hiện lộ trình áp dụng nâng chuẩn giáo viên đáp ứng Luật Giáo dục 2019.

Vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc thống nhất chương trình, tài liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo nâng chuẩn giáo viên. Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh, các nhà trường cần chủ động đề xuất, kiến nghị những vấn đề còn khó khăn, tồn tại đang là rào cản trong công tác đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non, phổ thông với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện quy trình, phương thức bồi dưỡng giáo viên.

Thứ trưởng nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm – giáo viên sau nâng chuẩn. Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và áp dụng phần mềm đánh giá giáo viên sau những khóa đào tạo nâng chuẩn của các trường sư phạm.

Thanh Loan – TNU Media