Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Đề tài "Két sắt bảo mật sử dụng khóa Cơ điện tử" của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã vinh dự đạt giải nhì VIFOTEC năm 2020

Đăng ngày: 11-11-2021 | 807 lần đọc
|

Tối ngày 10/11, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), Giải thưởng WIPO năm 2020. Tham dự buổi lễ có đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng chí Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; cùng lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành…Công trình khoa học "Két sắt bảo mật sử dụng khóa Cơ điện tử" của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên đã vinh dự được trao giải nhì tại VIFOTEC 2020. 

Ban Tổ chức Giải trao phần thưởng cho các đề tài đạt Giải. (PGS.TS Phạm Thành Long, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đứng hàng thứ hai, ngoài cùng bên phải)

Phát biểu tại Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020, TS. Phan Xuân Dũng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC - cho biết, trong 26 năm qua Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) là cơ quan thường trực đã được tổ chức rất thành công và từng bước khẳng định được uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học công nghệ ở trong nước và được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Năm 2020, Ban tổ chức Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam đã nhận được 133 công trình tham dự từ 17 tỉnh, thành phố, Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia các lĩnh vực cơ khí - tự động hóa; Công nghệ vật liệu; Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

Căn cứ vào kết quả chấm điểm của Hội đồng Giám khảo, Ban Tổ chức Giải thưởng đã quyết định trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 5 giải nhất (mỗi giải 80 triệu đồng), 11 giải nhì (mỗi giải 60 triệu đồng), 13 giải ba (mỗi giải 40 triệu đồng), 16 giải khuyến khích (mỗi giải 20 triệu đồng).

Công trình khoa học "Két sắt bảo mật sử dụng khóa Cơ điện tử" do Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên chủ trì, do PGS.TS Phạm Thành Long, Khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp làm chủ nhiệm đề tài cùng các cộng sự đã đạt Giải Nhì.

Giới thiệu về Đề tài "Két sắt bảo mật sử dụng khóa Cơ điện tử" do Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trưng bày tại buổi lễ

Đây là một thiết kế kỹ thuật có tên gọi là két sắt Cơ điện tử. Két sắt là một sản phẩm dân dụng có tính năng bảo mật và bảo vệ tài sản của các cá nhân, tổ chức trước các nguy cơ can thiệp phi pháp không mong muốn.

Két sắt trên thị trường có rất nhiều hãng cả sản xuất trong nước và nhập khẩu với giá thành rất khác nhau. Chúng sử dụng nhiều công nghệ khác nhau từ cơ khí đơn thuần cho đến điện tử kết hợp. Thông thường phần cơ khí của két có chức năng bảo vệ và giữ một phần chức năng bảo mật, phần điện tử nếu có sẽ giữ chức năng bảo mật. Các kiểu két sắt trên thị trường tuy đa dạng nhưng phần lớn chúng đều sử dụng chung một bộ khóa cơ kiểu đĩa vấu truyền động mặt đầu. Vì thiết kế này ra đời đã lâu nên không đảm bảo tính bảo vệ do nó đã được công khai thiết kế, có nhiều nhóm hacker mở khóa thành thạo đã công khai kỹ năng của họ rộng rãi trên youtube.

Vì vậy mục đích của tác giả là tạo ra một thiết kế mới với nhiều thách thức và rào cản kỹ thuật hơn, vận dụng các nguyên lý kỹ thuật đa nền tảng cụ thể ở đây là kỹ thuật Cơ điện tử để có bộ khóa hoàn hảo và giá thành chấp nhận được.

Cùng với các thiết kế khác như nguồn dự phòng, cảm biến gia tốc, cảm biến quang không tiếp xúc, còi báo động, modul sim…két sắt cơ điện tử có khả năng giữ liên lạc hai chiều với chủ nhân. Két sẽ báo động và tự liên lạc với chủ nhân khi bị đập phá, người dùng cũng có thể mở từ xa hoặc hướng dẫn người khác mở từ xa thông qua liên lạc viễn thông. Đây là các đặc điểm làm cho khóa thông minh hơn các loại khác trên thị trường hiện nay.

Trong quá trình thiết kế két sắt cơ điện tử, tác giả đã lọc toàn bộ thông tin từ hai mạng công bố sở hữu trí tuệ lớn của thế giới là Young engineer và US patten trong vòng hơn 70 năm qua không có thiết kế nào tương đương. Đến ngày 27/4/2019 tác giả đã được cục sở hữu trí tuệ Việt Nam chấp nhận cấp bằng sáng chế. Sản phẩm cũng đoạt giải nhất sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên ở lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật năm 2019, được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen. Sản phẩm cũng xuất hiện trên 4 chương trình truyền hình khoa học công nghệ cấp quốc gia, hàng chục triển lãm khoa học công nghệ lớn nhỏ trong vòng 5 năm qua. Giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng và trong số đó có người đã quay lại mua sản phẩm thứ hai sau thời gian trải nghiệm sản phẩm thứ nhất.

Tính mới và sáng tạo của đề tài đó là: Khóa có một mảnh chìa ảo không thể hiện trong cấu trúc, không quan sát được, vì vậy không làm giả được. Khóa có thể thiết lập chỉ mở trong giờ hành chính, ngoài khoảng thời gian này các mã khóa có đúng cũng không thể mở két (nếu khách hàng yêu cầu). Đặc điểm của bộ khóa là sau khi xuất xưởng, nếu khách hàng đã đổi mã cơ thì ngay cả nhà sản xuất cũng không có cách nào mở khóa nữa, chỉ duy nhất người nắm mã số này là mở được. 

Ban Tổ chức trao Giải Nhì cho PGS. TS Trần Thành Long – Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chia sẻ: “Qua nghe báo cáo và quá trình theo dõi, tôi thấy rằng, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học kỹ thuật là một hoạt động có nhiều ý nghĩa, là việc làm thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật, nhất là khích lệ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia nghiên cứu, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết đặt ra trong thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.  Qua 26 lần tổ chức Giải (1995 – 2020), Giải thưởng Vifotec đã từng bước khẳng định uy tín trong lĩnh vực sáng tạo khoa học kỹ thuật, được các nhà khoa học trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều công trình đoạt Giải thưởng đã được ứng dụng trong thực tiễn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho mọi hoạt động của đời sống xã hội. Qua đó cũng khẳng định tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam trên mọi lĩnh vực. 

Cũng tại lễ trao giải năm 2020, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã phát động Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2021. Bộ trưởng cũng bày tỏ  tin tưởng  vào sự ủng hộ và tham gia của các nhà khoa học, các nhà sáng tạo kỹ thuật sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các ngành kinh tế, để đất nước phát triển nhanh và bền vững./.

Thanh Loan – TNU Media