Đoàn kết – trung thực – sáng tạo – hiệu quả - chất lượng

Giới thiệu về đào tạo sau đại học của Đại học Thái Nguyên

Đăng ngày: 03-10-2018 | 14149 lần đọc
|

GIỚI THIỆU VỀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC CỦA ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

“PHÁT TRIỂN VÀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC SAU ĐẠI HỌC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC TRÌNH ĐỘ CAO CHO VÙNG TRUNG DU - MIỀN NÚI PHÍA BẮC VÀ ĐẤT NƯỚC”

1. Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 04/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Thái Nguyên, nhằm hình thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực giáo dục, nông lâm ngư nghiệp, y tế, kinh tế, công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông; nơi tư vấn và phản biện các chính sách phát triển nhằm đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế - xã hội của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh của mình, ĐHTN luôn kiên trì mục tiêu: “Hướng tới chất lượng, đẳng cấp và trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và có uy tín trong khu vực”.

Phát huy tiềm lực của mình, trong những năm qua, ĐHTN đã đào tạo số lượng lớn cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho các tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Số người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm trên 70,0% số người học tốt nghiệp của ĐHTN. Một số lượng đáng kể cán bộ có trình độ sau đại học đã được thu hút về các địa phương. Lực lượng cán bộ này tham gia tích cực, hiệu quả vào việc tham vấn và đề xuất luận cứ khoa học góp phần hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

2. Sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, cơ cấu tổ chức của ĐHTN không ngừng hoàn thiện và phát triển theo hướng đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Đội ngũ cán bộ, giảng viên gia tăng cả về số lượng và chất lượng;cơ sở vật chất phục vụ học tập, nghiên cứu khoa học của ĐHTN và các cơ sở giáo dục đại học thành viên đang được tiếp tục đầu tư và hoàn thiện.Tính đến ngày 31/12/2017, Đại học Thái Nguyên gồm có 07 trường đại học thành viên; 02 khoa trực thuộc (Khoa Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế); 01 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật); 01 Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai; 03 Viện nghiên cứu (Viện Nghiên cứu khoa học sự sống, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội nhân văn miền núi, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ cao về kỹ thuật công nghiệp); 01 nhà xuất bản (Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên) và 05 trung tâm đào tạo (trung tâm đào tạo từ xa, trung tâm ngoại ngữ, tin học,…).

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Đại học Thái Nguyên không ngừng lớn mạnh và hướng tới đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đội ngũ cán bộ viên chức tính đến ngày 31/12/2017 có 4199người, trong đó có 2732 cán bộ giảng dạy. Đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao không ngừng lớn mạnh, gồm có 16 giáo sư, 147 phó giáo sư, 637 tiến sĩ, 2219 thạc sĩ. Riêng trong giai đoạn 3 năm (2015-2017), Đại học Thái Nguyên đã bổ sung thêm 08 giáo sư và 68 phó giáo sư, 175 tiến sĩ.

Các phòng thí nghiệm, nhà làm việc của cán bộ khoa học (dành cho những cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ trở lên) của các đơn vị thành viên đang được tiếp tục đầu tư bằng nguồn vốn của Chương trình mục tiêu, Dự án Giáo dục đại học 2 (TRIG) và đặc biệt là từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Ngoài hệ thống các thư viện tại các đơn vị thành viên (trường, khoa và trung tâm trực thuộc), Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên (với số vốn đầu tư 7,5 triệu USD từ tổ chức Đông - Tây hội ngộ) đi vào hoạt động từ đầu năm 2008 đang có sức hút lớn đối với giới học thuật nhờ có số lượng lớn đầu sách chuyên khảo trong và ngoài nước, kết nối interrnet với tốc độ cao thuận lợi cho khai thác thông tin từ thư viện điện tử và tài liệu trực tuyến.

3. ĐHTN được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ từ năm 1991, khi đó tại các trường đại học thành viên (Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Sư phạm). Tính đến ngày 31/12/2017, ĐHTN đang triển khai đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên 115 ngành đào tạo sau đại học, bao gồm: 32 ngành tiến sĩ, 59 ngành thạc sĩ thuộc nhiều lĩnh vực khoa học: khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn; nông, lâm nghiệp; kinh tế và quản lí, y học, kỹ thuật và công nghệ... tổ chức đào tạo tại 08 cơ sở giáo dục đại học thành viên (trường đại học thành viên, khoa trực thuộc). Tại trường ĐH Y-Dược có 13 chuyên ngành chuyên khoa cấp I, 07 chuyên ngành chuyên khoa cấp II và 04 chuyên ngành bác sĩ nội trú.

Hàng năm, ĐHTN tuyển sinh từ 1500-1700 học viên thạc sĩ, 50-70 nghiên cứu sinh tiến sĩ và hàng trăm học viên bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo đạt 4672 người học (năm 2017), trong  đó có 310 nghiên cứu sinh, 3861 học viên thạc sĩ, 501 học viên bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II và bác sĩ nội trú. Bên cạnh đó, từ năm 1997 đến nay, được phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên còn phối hợp với Viện Toán học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, đào tạo và cấp bằng cho hàng nghìn thạc sĩ các ngành Toán học, Sinh học, Nông nghiệp.

Thời gian và hình thức đào tạo sau đại học đa dạng, đáp ứng nhu cầu đào tạo của người học: Đào tạo thạc sĩ tập trung thời gian từ 1,5-2,0 năm và hiện đang triển khai theo 2 hướng: chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu và chương trình thạc sĩ định hướng ứng dụng. Đào tạo tiến sĩ theo hình thức tập trung 3 năm và không tập trung 4 năm (trong đó có đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911).

Liên kết quốc tế đào tạo sau đại học cũng được triển khai từ năm 2007. Hiện Đại học Thái Nguyên đang liên kết đào tạo 03 ngành tiến sĩ, 06 ngành thạc sĩ với 13 trường đại học thuộc các quốc gia: Anh, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippine, Đài Loan, Pháp. Những chương trình đào tạo này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận văn bằng tương đương. Đến nay đã có hàng trăm người đạt học vị tiến sĩ và thạc sĩ do đối tác nước ngoài cấp bằng.

4. Trên cơ sở những kết quả, bài học kinh nghiệm thu được tronggần25 năm xây dựng và phát triển của Đại học Thái Nguyên, dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự lãnh của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên và sự đoàn kết, ủng hộ tích cực của các đơn vị thành viên, Viện phối hợp, công tác đào tạo sau đại học của Đại học Thái Nguyên hướng đến đạt được những kết quả cao hơn, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao đối với nguồn nhân lực có trình độ cao của đất nước nói chung và vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói riêng.